10 năm trước -

Dù chỉ là một smartphone phổ thông với giá chưa đến 2 triệu đồng, sự xuất hiện của Zenfone 4 gần đây lại gây sốt trên thị trường không thua kém các siêu phẩm cao cấp. Asus đang chứng tỏ là một thế lực mới nổi đáng gờm trong lĩnh vực điện thoại khi tung ra dòng smartphone Android mang tên Zenfone. Sở hữu mức giá hấp dẫn và khá thấp, nhưng nó lại có chất lượng phần cứng mạnh mẽ đáng nể, đúng như tiêu chí mang đến "sản phẩm cao cấp nhưng có giá hợp lý" của Asus.

Zenfone 4 model có mức giá niêm yết thấp nhất Asus khi được hãng định giá chính hãng chưa tới 2 triệu đồng. Tuy nhiên, những trải nghiệm mà sản phẩm này mang đến cho người dùng thậm chí còn tốt hơn những model Android khác có giá 3 đến 4 triệu đồng trên thị trường.

lazy_img
Zenfone 4 là chiếc smartphone giá rẻ gây sốt trong thời gian gần đây.


Thiết kế

Sở hữu ngoại hình nhỏ gọn với màn hình 4 inch giống như phần lớn các smartphone Android phân khúc phổ thông khác đang có trên thị trường. Nhưng so với loạt Android tới từ các đối thủ như Samsung, LG hay HTC, Zenfone 4 tỏ ra cao cấp và đẹp hơn. Máy trông cân đối và dài, thay vì vuông và quá tròn trịa.

Mặt lưng được thiết kế dạng trơn với lớp sơn mờ chống bám vân tay, hơi cong nhẹ và tối giản khá giống với Moto G hay HTC One và nó cho cảm giác cầm ôm tay. Dù có thể tháo mở dễ dàng, thân vỏ của Zenfone 4 vẫn tỏ ra chắc chắn và không bị ọp ẹp như một số model cùng phân khúc. Không màu sắc quá rực rỡ như dòng Lumia của Nokia, nhưng Asus cũng đem đến cho người dùng nhiều lựa chọn khi bên cạnh màu đen và trắng truyền thống là các màu đỏ hay xanh.

lazy_img


Trong khi đó, phần mặt trước của tất cả các màu của Zenfone 4 đều không có sự thay đổi khi sử dụng tông màu đen chủ đạo. Tuy vậy, Asus biết cách làm chiếc smartphone nhỏ gọn này trông sang hơn khi thiết kế cạnh viền dưới là vân tròn xoáy vào tâm thường thấy trên các dòng laptop của hãng. Chi tiết đáng tiền là mặt kính bảo vệ Gorilla Glass 3 thường chỉ thấy trên các sản phẩm cao cấp và đắt tiền, giúp màn hình sẽ cứng và bền bỉ hơn.

Điểm chưa hài lòng ở thiết kế của Zenfone 4 là ở vị trí ba phím cảm ứng nằm bên dưới màn hình và việc không có đèn nền. Hai phím Back và Multitask (đa nhiệm) được đặt dạt về hai bên viền và cách xa phím Home ở trung tâm, cho cảm giác bấm hơi với. Dù vậy, các chi tiết nhỏ này không làm ảnh hưởng quá nhiều đến thiết kế được đánh giá tốt của Asus.

Màn hình

Đây là trang bị tạo ra ít sự khác biệt cho Zenfone 4 so với các đối thủ cùng phân khúc. Nhà sản xuất Đài Loan trang bị cho smartphone giá 2 triệu đồng của mình màn hình 4 inch với độ phân giải 480 x 800 pixel. Điều này giúp cho độ chi tiết nằm ở mức khá, việc lướt web, xem video hay đọc thông tin trên màn hình vẫn khá thoải mái nhưng chưa thật sắc nét.

lazy_img
Điềm trừ ở màn hình của Zenfone 4 là việc sử dụng công nghệ LCD TFT thay vì công nghệ LCD IPS mới mẻ và có chất lượng cao hơn. Máy cho cảm giác màn hính sáng nhưng lại hiển thị ngoài trời nắng khá kém, thể hiện hình ảnh bị bóng lóa và không còn rõ ràng dưới ánh sáng gắt. Bên cạnh đó, Zenfone 4 còn không có cảm biến tự động điều chỉnh ánh sáng và khiến người dùng phải tự thiết lập khi cần.

Bù lại, khả năng cảm ứng đa điểm của Zenfone 4 nhạy và cho thao tác mượt mà, khi thực tế nó hỗ trợ tới 10 điểm cùng lúc, thay vì chỉ hỗ trợ 2, 3 hoặc 5 như một số model giá rẻ khác.

Tính năng và giao diện

lazy_img
Giao diện Zen UI có nhiều tính năng.

Đây tiếp tục là một lợi thế của chiếc smartphone giá mềm tới từ Asus nếu so với các đối thủ cùng hạng. Giao diện Zen UI xây dựng trên nền Android 4.3 cho thấy sự tiện dụng cao về khả năng hoạt động. Thanh thông báo phía trên cùng được làm trong suốt giúp tăng không gian hiển thị và làm màn hình trông rộng hơn.

Nó cũng được tích hợp khu vực để điều chỉnh nhanh Wi-Fi, Bluetooth hay độ sáng màn hình. Bàn phím ảo tính hợp sẵn bộ gõ tiếng Việt chuẩn Telex. Tuy nhiên, phần biểu tượng ứng dụng của giao diện Zen UI lại được thiết kế hơi màu mè, có phần thiếu sắc sảo nên gây cảm giác nhàm.

lazy_img
Nhiều phần mềm riêng được Asus bổ sung cho smartphone Android 2 triệu đồng.


So với các đàn anh Zenfone 5 và Zenfone 6, loạt tính năng riêng mà Asus trang bị cho Zenfone 4 không thiếu. What's next là công cụ thông minh giúp tổng hợp các thông tin của người dùng và hoạt động của điện thoai, sau đó đưa ra các gợi ý thú vị như kiểu "hãy mang theo ô" khi thấy thời tiết bên ngoài được dự báo sắp mưa. Bên cạnh đó, nhà sản xuất Đài Loan cũng tích hợp kho lưu trữ đám mây WebStorage, công cụ ghi chú nhanh SuperNote hay các tính năng chia sẻ không dây như Miracast, Wi-Fi Direct...

Ngoài tính năng tiện dụng là hỗ trợ 2 SIM 2 sóng, Asus còn tích hợp sẵn công cụ ghi âm cuộc gọi trên Zen UI. Với một số người, đây là trang bị rất hấp dẫn bên cạnh 2 SIM.

Camera

Điểm này trên Zenfone 4 là một sự thú vị mà Asus đem lại cho người dùng khi nó có quá nhiều tính năng mở rộng so với một smartphone phổ thông. Từ các chế độ quen thuộc như HDR, Panorama, chụp liên tiếp cho tới các hiệu ứng giả lập chụp Tilfshift, xóa chi tiết thưa trong ảnh, giả lập hiệu ứng chiều sâu như DSLR...

lazy_img
Nhà sản xuất Đài Loan còn trang bị đủ cả 2 camera, trước lẫn sau, cho chiếc smartphone phổ thông, trong đó camera chính độ phân giải lên tới 5 "chấm". Tuy vậy, công nghệ Pixel Master với khả năng chụp thiếu sáng được quảng cáo nhiều trên Zenfone đã được Asus lược bớt trên Zenfone 4, và thay vào đó chỉ là chế độ chụp đêm.

Bên cạnh thông số kỹ thuật và phần cứng tốt hơn các model cùng tầm như Samsung Galaxy Trend, Nokia X hay Sony Xperia E1, camera của Zenfone 4 cho chất lượng khá ổn trong tầm tiền. Độ nét và màu sắc đều nhỉnh hơn các đối thủ. Ở trong điều kiện chụp không đủ sáng, hình ảnh có độ nhiễu thấp và chấp nhận được.

Hiệu năng và thời lượng pin

lazy_img
Điểm đánh giá hiệu năng cao của Zenfone 4.

Cấu hình quá tốt so với giá tiền chính là điều lôi kéo rất nhiều người dùng đến với Zenfone 4 của Asus. Ở tầm giá 2 triệu đồng, chiếc smartphone của Asus tỏ ra không có đối thủ nếu xét về cấu hình và hiệu năng. Trong khi các hãng sản xuất khác vẫn trung thành với RAM 512 MB, thậm chí cả 256 MB thì Zenfone 4 của Asus có tới 1 GB RAM, trang bị đủ để khiến cho Android chạy mượt mà. Kết hợp với vi xử lý Intel Atom lõi kép tốc độ 1,2 GHz, Zenfone 4 cho cảm giác chạy khá nhanh, thao tác vuốt các trang màn hình có độ trễ thấp và nhạy.

Thực tế thông qua các công cụ đánh giá hiệu năng quen thuộc, chiếc smartphone 2 triệu đồng của Asus cho kết quả rất cao, thậm chí có lúc còn qua mặt cả HTC One X hay gần bằng Galaxy S III, những mẫu Android từng thuộc phân khúc cao cấp và có giá cao hơn nhiều.

Hạn chế ở vi xử lý của Intel là việc có thể kén phần mềm nhưng trong quá trình sử dụng thực tế, số lượng ứng dụng không tương thích với phần cứng của Zenfone 4 là rất nhỏ. Hầu hết các ứng dụng và trò chơi phổ biến đều hoạt động tốt. Thử nghiệm với game Asphalt 8, Zenfone 4 tỏ ra không vất vả để có thể chạy tốt trò chơi đua xe nổi tiếng này.

lazy_img
Pin là hạn chế của Zenfone 4, được Asus bù đắp bằng việc tặng thêm pin phụ.

Điểm yếu đáng kể nhất ở Zenfone 4 nằm ở khoản pin khi nó có thiết kế mỏng manh với dung lượng chỉ 1.200 mAh. Với nhu cầu sử dụng ở mức trung bình, nó có thể đáp ứng được việc sử dụng từ sáng đếu chiều trong một ngày làm việc. Năng lượng ngốn không nhiều ở chế độ chờ. Nhưng khi chơi game hay lướt web bằng Wi-Fi hay 3G, dung lượng pin tụt khá nhanh.

Asus giải quyết phần nào hạn chế này bằng việc tặng thêm cho phiên bản bán chính hãng ở Việt Nam thêm một viên pin phụ. Tuy nhiên, người dùng nên mua thêm dock sạc phụ bên ngoài để thuận tiện sử dụng hơn.

lazy_img
Zenfone 4 là chiếc smartphone giá rẻ có hiệu năng cao.

Ở phân khúc phổ thông dưới 3 triệu đồng, Asus Zenfone 4 là cái tên đáng để lựa chọn nhất hiện nay khi không chỉ có giá bán rẻ mà còn đem lại trải nghiệm rất tốt cho người dùng Android, nếu so với hầu hết các model cùng tầm đang có trên thị trường. Những hạn chế của máy đều có thể coi là nhỏ và chấp nhận được nếu so xét về cấu hình và chất lượng của Zenfone 4 so với giá của nó và các đối thủ cùng phân khúc.

Theo: Sohoa

Có thể bạn cũng thích