"Nên" và "Không nên" làm gì khi điện thoại phát nổ?

8 năm trước -

Sự cố Samsung Galaxy Note 7 liên tiếp phát nổ gần đây là một đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhưng đây không phải là chiếc điện thoại di động đầu tiên gặp phải tình trạng này. Trước đó, nhiều video ghi lại cảnh smartphone phát nổ hoặc bốc khói đã được chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Điều đáng nói là trong các video trên, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh chủ nhân của chiếc điện thoại phát nổ sẽ cầm "chú dế yêu" đang còn nóng hổi như một chiếc pizza mới ra lò trên tay mà không hề nghi ngờ đến khả năng chúng có thể "boom" thêm một lần nữa bất kỳ lúc nào. 

Nếu gặp phải trường hợp điện thoại di động bắt đầu bốc khói, chúng ta nên làm gì và không nên làm gì? Hãy cùng tham khảo ý kiến của một số chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới nhé!

NÊN 

Tránh xa:

 "Thượng sách là đứng ra xa và cứ để cho điện thoại bốc khói vì dù gì thì bạn cũng chẳng có cách nào ngăn được. Ngoài ra, khí gas bốc ra từ điện thoại đang cháy rất độc, bạn sẽ không muốn hít chúng vào đâu", Jeff Dahn - Giáo sư Khoa học Vật lý và Khí quyển của trường Đại học Dalhousie Canada - người đang nghiên cứu công nghệ pin cho hãng xe Tesla khuyên người dùng điện thoại.

Kỹ sư điện John Drengenberg - Giám đốc An toàn người tiêu dùng tại phòng nghiên cứu UL (Underwriters Laboratories), một tổ chức chuyên kiểm tra độ an toàn của các thiết bị điện gia dụng cũng có cùng quan điểm: "Điều quan trọng nhất bạn cần lưu ý là đừng hít khí gas từ điện thoại đang bốc cháy. Sau đó hãy gọi cứu hỏa để nhờ sự trợ giúp. Đặc biệt, nếu bạn đang mang thai, có con nhỏ hoặc là người lớn tuổi, khí độc này sẽ trở thành một mối nguy hại lớn đối với bạn". 

Clip điện thoại bốc cháy lúc nửa đêm được CCTV ghi lại. Nguồn: Youtube AP

KHÔNG NÊN

Dập lửa:

 Trái ngược với những gì bạn thường được nghe nói, việc dập tắt lửa từ pin lithium ion có thể còn gây rắc rối hơn. "Tốt nhất là nên quăng thiết bị đang bốc khói vào xô cát", Giáo sư Dahn nói. Còn kỹ sư Drengenberg thì cảnh báo việc dập tắt điện thoại đang chát bằng nước hoặc bình cứu hỏa, cũng như không nên tác động đến "dế yêu" bằng một dụng cụ khác: "Hai phương pháp này có thể gây ra phản ứng hóa học với pin, khiến cho sự cố càng trở nên nghiêm trọng hơn sức tưởng tượng của bạn". 

Di chuyển thiết bị:

"Bạn có thể bị bỏng khi tiếp xúc với chất hóa học từ pin cháy nên đừng nhặt điện thoại đang cháy lên và di chuyển chúng. Tuy nhiên, nếu vẫn phải bất đắc dĩ làm việc đó thì bạn nên mang găng tay chống cháy và đeo khẩu trang chống khí độc để bảo vệ bản thân. Ngoài ra, bạn cần lưu ý không để lửa cháy lan sang các thiết bị khác trong nhà. Do đó, nếu phải di chuyển điện thoại sang chỗ khác thì nên đặt chúng trên một bề mặt không cháy. Một chiếc thùng chứa bằng kim loại sẽ là nơi lý tưởng nhất" - ông Drengenberg chia sẻ.

Điện thoại phát nổ

Cho điện thoại bốc khói vào khay chứa chống cháy và bịt kín để tránh rò rỉ khí độc là một giải pháp an toàn

Tuy hiện tượng điện thoại phát nổ vì pin xảy ra thường xuyên gần đây nhưng các nhà khoa học vẫn khẳng định pin lithium ion là loại pin an toàn nhất.

Kỹ sư Drengenberg khẳng định: "Người tiêu dùng chúng ta luôn muốn sở hữu những chiếc điện thoại di động, máy tính xách tay pin 'trâu' thì chỉ có pin lithium ion mới đáp ứng được nhu cầu đó tốt nhất. Trong số 3,5-4 tỷ chiếc pin lithium ion trên thế giới, xác suất sự cố chỉ xảy ra trên khoảng 10 triệu chiếc. Như vậy, có thể nói chúng không thực sự đáng kể. Với một người chuyên kiểm tra tiêu chuẩn pin lithium ion như tôi, chúng an toàn. Tôi chẳng bao giờ phải quá lo lắng về điều đó".

Bài: Diên Vỹ (Theo Mashable)

Có thể bạn cũng thích