Tự làm "thợ" vệ sinh máy giặt ở nhà với những cách cực đơn giản

8 năm trước -

Máy giặt là một món đồ gia dụng không thể thiếu trong hầu hết các gia đình sống ở các thành phố lớn. Với mức sử dụng cao khoảng từ 3-4 lần/tuần liệu bạn có thường xuyên vệ sinh để máy giặt luôn sạch sẽ không? Nhiều gia đình bận rộn thường không mấy quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên để giúp máy luôn được bền như mới thì việc vệ sinh máy giặt đều đặn rất quan trọng. Nguyễn Kim sẽ giới thiệu với bạn một số cách vệ sinh máy giặt cực đơn giản và không tốn nhiều thời gian nhưng lại đạt hiệu quả tối đa.

1. Vệ sinh bên ngoài máy giặt:

Bạn có thể sử dụng một chiếc vải ẩm nhúng vào hỗn hợp baking soda và nước để lau chùi bề mặt ngoài của máy giặt. Trong bột baking soda có chất tẩy trùng tự nhiên nên sẽ loại bỏ được các vi khuẩn bám lại, vì nếu chỉ lau bằng khăn ẩm bình thường sẽ không thể nào làm sạch được. Lưu ý bạn không nên dùng bàn chải, bột đánh bóng, benzine hay vật liệu dễ bay hơi để lau chùi máy vì có thể gây hư hại các linh kiện nhựa và lớp sơn phủ ngoài.

vệ sinh bên ngoài để máy giặt nhà bạn luôn sáng bóng

Vệ sinh bên ngoài máy giặt thường xuyên để máy giặt luôn sáng bóng như mới

2. Vệ sinh lồng máy giặt đều đặn:

Đa số mọi người thường chỉ lau vỏ ngoài của máy giặt nhưng lồng giặt ẩm ướt lại là nơi vi khuẩn, nấm mốc dễ dàng tích tụ và phát triển. Bạn nên để cửa máy giặt mở càng nhiều càng tốt khi không dùng đến. Và để thật sự loại bỏ 100% vi khuẩn nấm mốc, bạn nên sử dụng các dung dịch tẩy rửa (clo, javen) hoặc giấm ăn, chanh đổ vào lồng máy giặt cùng với một ít nước nóng. Hãy lau chùi với chu kì 2-3 lần/tuần để máy giặt nhà bạn luôn trong tình trạng sạch sẽ nhất.

vệ sinh lồng máy giặt đều

Lồng máy giặt cần được vệ sinh đều đặn để tránh vi khuẩn nấm mốc

3. Sử dụng lượng bột giặt theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất:

Quá nhiều bột giặt sẽ khiến máy không dùng hết, lượng bột giặt còn thừa không được xả hết ra ngoài nên dễ gây tắc máy, vi khuẩn có thể bám lại bên trong máy giặt và kết quả là sau khi giặt quần áo vẫn không sạch thậm chí xuất hiện tình trạng ăn mòn các thớ vải ngay trong quá trình giặt nếu bột giặt có chứa thành phần hoạt chất bào mòn cao.

sử dụng lượng bột giặt phù hợp

Sử dụng lượng bột giặt phù hợp với từng loại máy giặt

4.  Vệ sinh lưới lọc của van cấp nước:

Trước tiên, bạn cần khóa nguồn nước vào máy giặt. Sau đó, mở đầu ống dẫn nước nối với van cấp nước ra và dùng kiềm đầu nhọn để gắp lưới lọc ra khỏi van cấp nước. Hãy sử dụng bàn chải cọ rửa những cặn bẩn và lắp lưới lọc vào vị trí cũ. Lưu ý không được vứt bỏ hoặc làm thủng lưới lọc, tránh làm hỏng van cấp nước.

mở ống dẫn nước nối với van cấp nước

Tháo ống dẫn nước nối với van cấp nước sau khi đã khóa nguồn nước

5. Tần suất vệ sinh máy giặt:

Việc lau chùi bên ngoài máy giặt có thể làm thường xuyên khi trông thấy vết bẩn bằng mắt thường. Còn đối với việc vệ sinh máy giặt bên trong, bạn nên thực hiện vài tháng một lần, hoặc nếu sử dụng máy giặt 4-5 lần/tuần thì bạn nên làm sạch máy giặt hàng tháng. Công việc này có thể hơi mất thời gian nhưng bù lại máy giặt nhà bạn sẽ bền hơn, quần áo cũng được giặt sạch hơn.

lau chùi máy giặt thường xuyên

Lau chùi máy giặt thường xuyên giúp diệt sạch những vết bẩn mà mắt thường khó thấy

Một số vị trí nhỏ cũng cần được làm sạch thường xuyên như:

-        Khay để nước giặt: Bạn hãy thường xuyên rửa và ngâm khay để nước giặt với thuốc tẩy, xả sạch với nước nóng rồi phơi khô.

-        Miếng cao su ở thành cửa của máy cửa trước: đây cũng là nơi vi khuẩn thường xuyên tích tụ. Bạn có thể dùng khăn ẩm, thấm với muối nở để tẩy sạch khu vực này.

-        Ống xả và lọc nước: hãy đảm bảo rằng bạn thường xuyên kiểm tra khu vực này và thay ống xả mới nếu đã cũ bẩn.

Hãy để tuổi thọ của các thiết bị điện lạnh được gia tăng bằng cách “chăm sóc” chúng thật cẩn thận bạn nhé!

Bài: Hoàng Ngân

Có thể bạn cũng thích