Bí quyết tìm tên bài hát chỉ dựa vào vài giai điệu thoáng qua

6 năm trước -

Bạn đã bao giờ bị một giai điệu nào đó trốn mãi trong đầu mà không thể nào nhớ ra tên bài hát? Hãy check ngay 5 ứng dụng hay ho sau đây.

Đôi khi, bạn đi trên đường, ở quán cà phê rồi vô tình nghe thấy một bản nhạc rất bắt tai nhưng mãi mà không biết bài đó tên gì. Hoặc có lần, bạn tình cờ nghe ai đó ngân nga vài điệu rất quen thuộc, nhưng không còn nhớ ca khúc đó do ai hát nữa. Nếu đã từng rơi vào những tình huống trên, hãy tham khảo các ứng dụng trên smartphone này nhé. Chúng có thể giúp ích trong nhiều trường hợp.

Nếu không biết tựa bài hát, bạn có thể dùng các cách sau để tra cứu

1. Hỏi Genius hay Google

Đơn giản là gõ từ khóa vào trang Genius.com - nơi chuyên sưu tầm lời bài hát. Hoặc bạn có thể gõ một đoạn ngắn lời bài hát và tra trên Google tìm kiếm.

Khi hỏi Genius hay Google, bạn nên dùng các đoạn bài hát đặc sắc để tra cứu

Cách làm này tuy đơn giản nhưng hiệu quả lắm nhé. Mẹo nhỏ là hãy chọn đoạn nào mà lời lẽ đặc sắc, độc đáo một chút thì Google mới trả về kết quả chính xác hơn. Chứ lời bài hát cứ "Anh yêu em", "em yêu anh", "I love you" thì khác nào mò tìm đáy bể. Có cả một "đại dương" những bài hát như thế...

2. Shazam

Đây là ứng dụng tìm kiếm bài hát khá phổ biến. Cách sử dụng Shazam rất đơn giản, chỉ cần mở lên, "dí" điện thoại vào nguồn phát nhạc rồi ấn nhẹ vài nút lệnh mà thôi. Kế đó, Shazam sẽ lắng nghe bài hát và trả về kết quả cho bạn, bao gồm tên bài hát, nghệ sĩ, album, link xem trên YouTube... Độ chính xác khá cao nếu là bài hát Âu Mỹ.

Cứ đưa điện thoại đã cài ứng dụng Shazam vào nguồn phát nhạc, ứng dụng sẽ cho bạn kết quả

Shazam hiện tại có mặt trên iOS, Android, Mac, Windows và nhiều nền tảng khác. Tuy vậy, do đã được Apple thâu tóm nên trong tương lai, Shazam sẽ có mối quan hệ "dây mơ rễ má" chặt chẽ với các ứng dụng khác trong họ nhà Táo. Còn viễn cảnh của nó trên Android thì không rõ ràng lắm.

3. Google Sound Search

Người dùng điện thoại Pixel của Google từ lâu đã quen thuộc với tính năng Now Playing. Tính năng này luôn được bật lên, và bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể truy tìm một bản nhạc mà chiếc Pixel đã "nghe" được.

Bạn còn có thể yêu cầu Sound Search tìm kiếm bằng cách ra lệnh

Giờ đây, Google còn tung ra ứng dụng Sound Search có mặt trên nền tảng Android, Google Home và trợ lí ảo Google Assistant. Bạn còn có thể yêu cầu Sound Search tìm kiếm bằng cách ra lệnh "what song is playing?" bằng giọng nói. Điều này đặc biệt hữu ích khi đang lái xe hay bận tay làm gì đó.

Sound Search sử dụng lưu trữ đám mây với nguồn dữ diệu đa dạng, vì vậy độ chính xác khi tìm tên bài hát là khá cao.

4. Hỏi trợ lí ảo Siri hay Alexa

Nếu sở hữu trợ lí ảo Siri của Apple hay Alexa của Amazon thì bạn hoàn toàn có thể bắt chúng nghe giai điệu đoán bài hát cho mình. Như đã nói, Apple đã thâu tóm ứng dụng Shazam, vì thế trong tương lai nó có thể tích hợp nhiều hơn với Siri để biến trợ lí ảo này trở nên thông minh, thính tai và đầy chất nghệ hơn nữa.

Không biết tên bài hát, cứ để trợ lí ảo Siri hay Alexa giúp

5. SoundHound

Ứng dụng này khá giống Shazam. Nhưng điều đặc biệt là bạn có thể tự mình ngân nga một điệu nhạc và bắt SoundHound tìm kiếm. Kết quả dĩ nhiên phụ thuộc vào khả năng xướng âm của bạn rồi.

Giống với Google Sound Search, sau khi "nạp" điệu nhạc vào SoundHound xong, bạn có thể hô thần chú "OK Hound, what song is this?" để bắt nó lục lại kho dữ liệu và cho ra kết quả nhé.

Ứng dụng này có thể sử dụng được cả trên điện thoại và laptop

Ứng dụng có mặt trên iOS và Android. Phiên bản trên desktop của nó tên Midomi, bạn vẫn có thể tìm kiếm bài hát dựa trên giọng hát mô phỏng của mình bằng cách sử dụng micro trên laptop.

Nguồn: Trí Thức Trẻ

Có thể bạn cũng thích