Cách bảo vệ trẻ khỏi "thử thách Momo" đầy nguy hiểm

6 năm trước -

Những ngày qua, cộng đồng mạng và các bậc phụ huynh trên toàn thế giới đều phẫn nộ trước những chuyện đau lòng liên quan đến thử thách Momo. Đối tượng mà trò chơi hướng dẫn tự sát này hướng đến là giới trẻ, những người có vấn đề tâm lý như trầm cảm, căng thẳng, đặc biệt là trẻ em với đầu óc còn non nớt, chưa nhận thức được và dễ làm theo các lời xúi giục đầy rẫy hiểm họa tiềm tàng.

lazy_img

Momo là biến tấu từ tác phẩm nghệ thuật có tên gốc Mother Bird (Chim Mẹ) được chế tác vào năm 2016, trưng bày trong một triển lãm nghệ thuật ở Tokyo, Nhật Bản về những câu chuyện kinh dị. Với ngoại hình đầu người thân chim, tóc dài xõa rũ ruợi, nụ cười rộng cùng đôi mắt lồi đầy ám ảnh, kẻ xấu đã lợi dụng hình ảnh này hướng dẫn người xem làm hại bản thân, thậm chí tự tử.

lazy_img

Điển hình là trường hợp tại Anh, cô bé Callie Astill (7 tuổi) thường xuyên có biểu hiện lạ như đờ đẫn, không dám đi vệ sinh một mình, la hét đòi về nhà, thậm chí tự đập đầu vào tường. Qua phát hiện của người mẹ, Callie đã thấy Momo trên YouTube Kids, quái vật đe dọa và đưa ra những thử thách khiến cô bé bị ám ảnh.

lazy_img

Đau lòng hơn, vào tháng 8/2018, một cô bé 12 tuổi người Argentina đã được tìm thấy trong tư thế treo cổ. Cảnh sát đã tìm thấy điện thoại của cô bé gần đó với lịch sử tương tác là tài khoản Momo, bao gồm cả tin nhắn và video chứa nội dung bạo lực. Cảnh sát cho rằng có kẻ đã xui khiến cô bé tự kết liễu mình như là một phần của trò chơi, nhưng đây chỉ mới là phỏng đoán và cơ quan điều tra vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính thức.

lazy_img

Tuy thử thách Momo chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong vấn đề quản lý và chọn lọc video cho con trẻ. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", khi cho trẻ tiếp xúc với Internet cha mẹ cần hết sức cẩn trọng để tránh con em mình trở thành nạn nhân tiếp theo của trò chơi tự sát nguy hiểm này.

- Nếu thấy con trẻ có dấu hiệu bất thường như lo lắng, sợ hãi, phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân một cách khéo léo bằng việc kiểm tra lịch sử truy cập mạng của điện thoại, máy tính bảng mà bé sử dụng.

- Khi phát hiện trẻ đang vướng vào thử thách Momo, phụ huynh hãy giải thích cho con hiểu rằng đây chỉ là trò chơi, nhân vật kinh dị này không có quyền năng nguyền rủa hay hại ai.

- Thường xuyên giao tiếp, gần gũi với con để nắm bắt được trẻ xem gì trên Internet, qua đó hiểu rõ được những thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi và có thể kịp thời giúp con điều chỉnh những lệch lạc không đáng có.

lazy_img

- Phụ huynh nên hòa mình vào thế giới online, chia sẻ cởi mở với con những sở thích, thói quen khi lên mạng, đánh giá của con về những chuyện đang diễn ra trong cộng đồng mạng...

- Phụ huynh cũng cần trao đổi với con để thống nhất giới hạn các hoạt động online ví dụ như thời gian vào mạng, các trang web mà con được phép hay không được phép vào và phải giữ kín thông tin cá nhân, tránh xa người lạ…

Có thể bạn cũng thích