Hướng dẫn sử dụng máy ảnh (P4): Cách đo sáng hình ảnh

7 năm trước -

Đối với dân chơi ảnh, thì ánh sáng của một khung hình rất quan trọng, nó quyết định nên chất lượng và cảm nhận của người xem. Vậy làm sao để biết được hình ảnh của bạn đủ sáng và đạt chuẩn? Nguyễn Kim sẽ hướng dẫn một vài kinh nghiệm nhỏ để canh chỉnh ánh sáng sao cho thích hợp nhé!

Đo sáng là gì?

Trước khi tìm hiểu cách điều chỉnh độ sáng của hình ảnh, thì đầu tiên chúng  ta phải biết được khái niệm đo sáng là gì? Nói một cách nôm na thì đo sáng là việc xác định độ mở ống kính (khẩu độ), tốc độ màn trập và độ nhạy sáng ISO để kiểm soát được lượng ánh sáng mong muốn vào khung hình. Những điều này bạn có thể sử dụng chế độ tự động của máy hoặc tự điều chỉnh các thông số theo ý muốn bằng tay.

Đo sáng chính xác giúp bức hình của bạn đẹp hơn

Đo sáng chính xác giúp bức hình của bạn đẹp hơn

Đo sáng toàn khung (Matrix)

Đầu tiên sẽ là chế độ được sử dụng phổ biến nhất, đo sáng toàn khung hình. Lúc này, máy ảnh sẽ tính toán chia hình ảnh trên khung hình làm nhiều khu vực (số lượng khu vực tùy thuộc vào thuật toán riêng của từng hãng) để đo sáng. Và như vậy bạn sẽ có được một bức hình có độ sáng trung bình giữa tất cả các chi tiết.

Khi chụp ngược sáng, chủ thể sẽ bị tối

Khi chụp ngược sáng, chủ thể sẽ bị tối

Tuy nhiên, bạn chỉ có được hình ảnh hoàn hảo với chế độ này khi chụp phong cảnh, hoặc trong môi trường ánh sáng hài hòa. Bởi vì, khi chủ thể bạn muốn chụp có màu sắc tương phản với phông nền (quá sáng hay quá tối), tệ nhất là chụp ngược sáng, thì tấm hình bạn nhận được sẽ rất tệ. Do đó, lời khuyên cho bạn là nên dùng chế độ này ở nơi có độ sáng tương đương nhau, còn khi ánh sáng quá phức tạp thì nên chuyển sang chế độ khác.

Đo sáng trung tâm (Center - Weighted Metering)

Thay vì cân bằng ánh sáng cho toàn bộ khung hình thì với chế độ đo sáng trung tâm nó sẽ hạn chế lại. Vẫn cung cấp khả năng đo sáng cân bằng hiệu quả cho toàn ảnh, nhưng kỹ thuật này nhấn mạnh phơi sáng ở khu vực trung tâm khoảng 30% khung hình. Cách đo sáng này thường dùng trong các trường hợp bạn muốn chụp chủ thể chiếm phần lớn khung hình hay chụp những tốp đông người mặc đồ cùng màu thì sẽ cho hiệu ứng rất tốt.

Đo sáng trung tâm giúp chụp ngược sáng tốt hơn đo sáng toàn khung

Đo sáng trung tâm giúp chụp ngược sáng tốt hơn đo sáng toàn khung

Đo sáng phần (Partial Metering)

Tương tự như đo sáng trung tâm, nhấn mạnh phơi sáng khu vực giữa khung hình, nhưng điểm khác biệt của đo sáng từng phần là máy ảnh sẽ không quan tâm đến ánh sáng của những góc hình còn lại. Lúc này, các phần không được đo sáng sẽ có thể bị cháy hoặc bị đen, nhưng người chụp chỉ muốn quan tâm đến chủ thể trong khu vực được phơi sáng chiếm khoảng 12 - 15% khung hình là đủ.

vi-du-cho-chup-do-sang-tung-phan-tren-may-chup-hinh.PNG

Ánh sáng sẽ chỉ tập trung ở giữa như khung tròn ở trên

Với kỹ thuật này, máy ảnh sẽ dựa trên kết quả tính toán về đo sáng của phần hình ảnh ở trung tâm khuôn hình mà không quan tâm đến ánh sáng ở viền ảnh. Do đó, nó rất có ích khi bạn biết chính xác vùng ảnh nào mình muốn ưu tiên ánh sáng. Chúng ta sử dụng chế độ này khi muốn làm nổi bật rõ chủ thể ngay ở trung tâm của khung hình, nhất là chụp tĩnh vật, hay chân dung.

Đo sáng điểm (Spot Metering)

Đây là một kỹ thuật khá phức tạp, máy ảnh sẽ đo sáng chính xác một phần diện tích nhỏ chiếm 4% khung hình, thường là ngay ở điểm mà bạn lấy nét. Khi chụp với chế độ đo sáng điểm, thao tác chụp của bạn đòi hỏi phải thêm một bước khóa sáng nữa (nút AE Lock). Điểm lấy nét có thể khác điểm khóa sáng tùy theo ý đồ chụp của mỗi người. Bức ảnh có đẹp hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn chọn điểm sáng ở đâu, nói chung là bạn cần phải có kinh nghiệm.

Đo sáng điểm là phương pháp hữu hiệu cho chụp ngược sáng

Đo sáng điểm là phương pháp hữu hiệu cho chụp ngược sáng

Việc chỉnh chế độ đo sáng rất đơn giản, bạn chỉ cần vào menu cài đặt của máy, chọn Metering mode rồi chọn chế độ muốn chụp và nhấn nút SET. Như vậy là bạn đã biết được bí kíp để điều chỉnh ánh sáng theo từng trường hợp rồi, phần còn lại là phụ thuộc vào tay nghề của bạn mà thôi. Chúc các bạn thành công nhé!

Bài: Kim Chi - S

>>> Hướng dẫn sử dụng máy ảnh (P.1): Khẩu độ & Độ sâu trường ảnh

>>> Hướng dẫn sử dụng máy ảnh (P.2): Tốc độ màn trập

>>> Hướng dẫn sử dụng máy ảnh (P.3): Độ nhạy sáng ISO

Có thể bạn cũng thích