Ơn giời đã có ứng dụng giúp bà nội trợ kiểm tra nguồn gốc thịt heo rồi!

8 năm trước -

Vừa qua, Sở Công Thương TP.HCM đã cung cấp ứng dụng miễn phí TE-FOOD giúp người dân có thể kiểm tra nguồn gốc thịt heo ngay từ chính chiếc điện thoại của mình. Bên cạnh đó, các máy soi tem cũng được đặt tại siêu thị để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân kiểm tra được thịt heo sạch hay bẩn.

Thời gian vừa qua, thông tin “thịt lợn nái tẩm hóa chất độc hại thành thịt bò tràn lan thị trường Việt” gây rúng động dư luận, khiến người dân hoang mang không biết nguồn gốc thịt mình đang sử dụng hằng ngày từ đâu. Những tin tức về thịt heo bẩn, không có nguồn gốc rõ ràng không chỉ mới phát lên gần đây mà ngay từ những năm trước, đã có nhiều vụ ngộ độc xảy ra vì thực phẩm không đảm bảo chất lượng, đây như lời cảnh báo cho người tiêu dùng nói riêng và chính phủ nói chung.

Trước yêu cầu cấp bách, vừa qua, Sở Công Thương TP.HCM đã cung cấp ứng dụng miễn phí TE-FOOD giúp người dân có thể kiểm tra nguồn gốc thịt heo ngay từ chính chiếc điện thoại của mình. Bên cạnh đó, các máy soi tem cũng được đặt tại siêu thị để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tra được thịt heo sạch hay bẩn.

Theo thống kê, tại TP.HCM có hơn 80% dân số đang sử dụng smartphone, vì thế việc tải ứng dụng TE-FOOD về điện thoại sẽ đơn giản hơn.

Ứng dụng TE-FOOD tương thích với cả điện thoại Android hay iOS và cách sử dụng khá đơn giản

Ứng dụng TE-FOOD tương thích với cả điện thoại Android hay iOS và cách sử dụng khá đơn giản

Cách sử dụng hết sức đơn giản như sau:

Bước 1: Tải về ứng dụng TE-FOOD cho điện thoại chạy iOS hoặc Android.

Bước 2: Bật ứng dụng và quét tem để truy nguồn gốc thịt.

Ứng dụng này hoạt động nhờ vào quy trình thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Cụ thể, mỗi chú heo từ cơ sở chăn nuôi sẽ được gắn hai vòng nhận diện trên hai chân cùng với vòng niêm phong sau khi được kiểm tra thú y. Ngoài ra, một loại vòng tương tự cũng được gắn lên xe vận chuyển tới cơ sở giết mổ để đưa tới chợ đầu mối.

Tất cả các vòng này đều có khóa an toàn và định danh bằng một mã QR riêng, từ đó giúp các lực lượng chức năng cũng như lực lượng quản lý chợ, thú y có thể kiểm tra nguồn gốc thịt dễ dàng hơn.

Tương tự, vòng nhận diện cũng được niêm phong lên xe hàng trước khi vận chuyển thịt heo tới điểm bán lẻ. Tại điểm bán lẻ như chợ hay siêu thị, nhân viên sẽ nhập thông tin vào tem truy xuất, tiếp đến dán lên bao bì sau khi khách hàng chọn mua thịt.

Tem truy xuất này được sản xuất bằng công nghệ ColorGram của châu Âu với 5 dải màu và một mã QR. Sau khi quét mã QR, khách mua thịt có thể biết được tất cả thông tin từ nguồn gốc thịt ở trang trại nào, nhân viên kiểm dịch là ai cho tới thời gian giết mổ...

Đặc biệt hơn, 5 dải màu trên tem truy xuất còn cho phép người mua thịt có thể nhận diện được tem giả hay thật. Sau khi quét bằng ứng dụng trên smartphone, 5 dải màu sẽ xuất hiện trên ứng dụng cùng với đoạn mã để đối chiếu với con tem trên bao bì thịt. Với đề án này, thịt heo ở 349 điểm bán lẻ của Saigon Co.op, Satra, Vissan, Cocomart, Auchan, Aeon - Citimart, Queenland... tại TP.HCM có thể truy xuất nguồn gốc một cách dễ dàng hơn. Thông qua hạ tầng điện toán đám mây, các dữ liệu về thịt có thể truy xuất một cách nhanh chóng, lại bảo mật và tiết kiệm chi phí hơn so với giấy tờ, thủ tục như trước.

Quy trình thực hiện để ứng dụng trên điện thoại có thông tin nhận diện

Quy trình thực hiện để ứng dụng trên điện thoại có thông tin nhận diện

Bên cạnh đó, đối với những bà nội trợ có thể chưa trang bị smartphone, siêu thị sẽ tạo điều kiện bằng cách đặt các thiết bị kiểm tra nhãn dán tại các quầy bán thịt. Và như thế, bạn sẽ có thể yên tâm vào thực phẩm mình đã mua.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công thương, khó khăn lớn nhất hiện nay là 85% lượng thịt heo của thành phố do các tỉnh, thành khác cung cấp nên phải triển khai đồng loạt ở các địa phương này thì mới đảm bảo chất lượng. Mong là trong thời gian ngắn, ứng dụng này có thể được hoàn thiện để giúp người nội trợ an tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho gia đình.

Bài: Hoàng Ngân

Có thể bạn cũng thích