Trước Sự Phát Triển Của Mạng 5G, Viễn Thông Việt Nam Đã Sẵn Sàng?

4 năm trước -

Với sự phát triển như “vũ bão” của công nghệ, mạng công nghệ 5G chắc chắn sẽ sớm được đưa vào sử dụng phổ biến. Trước tình hình này, những “ông lớn” công nghệ trên thế giới đã và đang dần tích hợp công nghệ 5G vào những thiết bị điện tử của mình. Tại Việt Nam thì sao, các nhà mạng đã sẵn sàng với sự chuyển đổi mang tính cách mạng này chưa? Hãy cùng Nguyễn Kim tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này nhé!

Mạng 5G là gì?

Mạng 5G là gì

Chúng ta đã nghe quá nhiều về khái niệm mạng 5G nhưng chắc hẳn vẫn có nhiều bạn chưa hiểu rõ nó là gì, có những lợi thế vượt trội hơn so với 4G như thế nào. 

Mạng 5G là thế hệ mạng điện thoại không dây thứ 5, được phát triển nhằm cải thiện tốc độ truyền tải và phản hồi của mạng không dây trên các thiết bị điện. Trong bối cảnh IoT (Internet of Things) đang ngày càng phát triển và liên kết chặt chẽ, mạng 5G được xem là một phương thức kết nối hữu hiệu và nhanh nhạy hơn 4G rất nhiều. Theo như dự đoán của các chuyên gia, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn gấp 100 lần so với mạng 4G mà chúng ta đang sử dụng. 

Chúng ta hãy cùng xem qua những thông tin sau đây để có được một góc nhìn phổ quát nhất về sự khác biệt giữa mạng 4G và mạng 5G

Xét về vấn đề truyền đạt tín hiệu

Mạng 5G có khả năng truyền đạt tín hiệu nhanh hơn hẳn so với 4G

Mạng 5G có khả năng truyền tín hiệu với cơ chế tập trung, nhanh hơn và tiết kiệm hơn

Mạng 4G: Truyền tín hiệu bằng cơ chế phân tán khắp xung quanh, dễ gây hao tổn tài nguyên vô ích. 

Mạng 5G: Truyền tín hiệu bằng cơ chế phân tán tập trung đến trực tiếp thiết bị, hạn chế hao tổn và giảm thiểu tình trạng nhiễu Anten, hoạt động mạng sẽ ổn định hơn. 

Xét về tốc độ

Mạng 4G: Tốc độ giao động từ 1 - 1.5 Gbp/giây (với một đoạn video khoảng 1 tiếng, bạn sẽ mất từ 3 - 4 phút để tải nếu không gặp trục trặc gì).

Mạng 5G: Tốc độ được dự tính giao động khoảng 10 Gbp/giây (với một đoạn video khoảng 1 tiếng, bạn chỉ mất 5 - 6 giây để tải xong). Đặc biệt hơn, tốc độ của mạng 5G được các chuyên gia tính toán có thể đạt đến mức cao hơn, vẫn hoạt động nhanh nhạy ở những khu vực rìa phủ sóng. 

Xét về vấn đề kết nối thiết bị IoT

Mạng 5G có khả năng xây dựng mạng lưới IoT hiệu quả

Mạng 5G cho phép người dùng kết nối được đến cả trăm thiết bị cùng lúc mà không bị nghẽn mạng

Mạng 4G: Khi có quá nhiều thiết bị kết nối vào mạng cùng lúc, dễ dẫn đến tình trạng nghẽn mạng hoặc mạng hoạt động chậm chạp, kém hiệu quả. Việc truyền tải dữ liệu bị chậm, người dùng cũng không thể kiểm tra, kiểm soát được khi cần thực hiện chuyển mạng giữa những thiết bị điện với nhau. 

Mạng 5G: Có khả năng kết nối được cùng lúc nhiều thiết bị (lên đến 100 thiết bị) mà vẫn hoạt động nhanh nhạy, ổn định. Mạng 5G sẽ cho phép người dùng kết nối giữa các thiết bị cá nhân và hàng loạt máy móc điện tử, từ đó, hạn chế đến tối đa tình trạng kết nối bị gián đoạn đột ngột. 

Xét về độ trễ

Mạng 4G: Độ trễ giao động khoảng 30 ms hoặc có thể chậm hơn nếu như tình trạng mạng không được tốt, nằm ngoài rìa phủ sóng. 

Mạng 5G: Độ trễ chỉ khoảng 10 ms là cao nhất, nếu bạn sử dụng trong điều kiện mạng tốt, độ trễ có thể không tồn tại. 

Đâu là những nhược điểm của mạng 5G?

Mạng 5G cần chi phí lắp đặt cao

Mạng 5G vẫn còn tồn tại một số điểm yếu nhất định

Giữa rất nhiều những ưu điểm ấn tượng và vượt trội, mạng 5G vẫn còn tồn tại một vài nhược điểm cần được khắc phục thêm trong tương lai. 

Vấn đề chi phí

Để có thể thực sự đưa mạng 5G vào sử dụng phổ biến, các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam cần phải gấp rút tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng của trạm gốc (hay còn được gọi là cơ sở mạng lưới). Sự đầu tư này sẽ tốn một khoản phí khá lớn. Đối với người dùng, nếu muốn sử dụng mạng 5G, họ phải tự sắm thêm cho mình một thiết bị hỗ trợ 5G mới vì những thiết bị cũ sẽ không thể kết nối được với mạng 5G. Đó là lý do vì sao mà các hãng sản xuất điện thoại đang dần tích hợp công nghệ 5G vào thiết bị của mình trong thời gian gần đây, điển hình như iPhone, Samsung hay cả đại diện Vsmart của Việt Nam. 

Vấn đề pin

Với tốc độ hoạt động “dữ dội” như vậy, mạng 5G chắc chắn sẽ rất “ngốn” pin điện thoại, thiết bị. Để khắc phục điều này, chúng ta đành trông chờ vào những công nghệ cải thiện thời lượng pin hiện đại của những “ông lớn” công nghệ. 

Vấn đề tăng cường Anten thu sóng

Như bạn cũng đã biết, công nghệ mạng 5G sẽ sử dụng sóng siêu âm nhằm tăng tốc độ hoạt động và phản hồi. Tuy nhiên, trở ngại của 5G ở đây chính là loại sóng này không thể vượt qua được “chướng ngại vật” như tường hay ngói nhà. Ở mảng này, mạng 4G vẫn đang tỏ ra hiệu quả hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu muốn phủ sóng 5G, chúng ta cần phải tăng cường lắp đặt thêm Anten thu sóng trên khắp cả nước. 

Các nhà mạng Việt Nam đã sẵn sàng nhập cuộc cùng 5G?

Các nhà mạng Việt Nam đang ráo riết hoàn thiện mạng lưới mạng 5G

Viettel là đơn vị tiên phong trong cuộc đua 5G

Viettel chính là đơn vị tiên phong trong việc chuẩn bị và lắp đặt cơ sở vật chất để đón đầu mạng 5G. Vào tháng 10 vừa rồi, Viettel đã thử thương mại hóa mạng 5G ở một vài nơi và thu được nhiều phản hồi tích cực. Trong cuộc thử nghiệm của Viettel, tốc độ mạng 5G đạt được xấp xỉ 700 Mbps.

Bên cạnh Viettel, các đơn vị viễn thông khác cũng đang gấp rút thử nghiệm tốc độ mạng 5G để kịp thương mại hóa chính thức vào đầu năm 2020. Theo thử nghiệm của Mobifone, dữ liệu tải xuống đã đạt đến tốc độ gần 2 Gbps và chuyến thử nghiệm của Vinaphone cũng cho ra kết quả tương tự. 

Có thể nói rằng các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thiện và đưa mạng 5G vào sử dụng chính thức tại Việt Nam, trước mắt sẽ tập trung vào TP Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội. 

Hãy thường xuyên theo dõi blog Nguyễn Kim để cập nhật thêm những tin tức mới nhất về sự phát triển của mạng 5G tại Việt Nam nhé! 

Có thể bạn cũng thích